• Tìm kiếm

Các loại phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể hay còn gọi là cườm khô, cườm đá: là mờ đục thủy tinh thể trong mắt, gây ra những rối loạn thị giác. Nguyên nhân thường gặp nhất là do lão hóa. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể đeo kính hỗ trợ, với nguồn chiếu sáng tốt để làm giảm những rối loạn thị giác do đục thủy tinh thể.  Nhưng nếu đục thủy tinh thể nhiều, các biện pháp trên không còn tác dụng, bệnh nhân cần được phẫu thuật để cải thiện thị lực.

1. THỦY TINH THỂ LÀ GÌ?

Thủy tinh thể là cấu trúc trong mắt có chức năng như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Võng mạc là lớp nhận cảm ánh sáng và gởi tín hiệu thị giác lên não. Ở mắt bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc. Thủy tinh thể phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét.
 

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.

2. ĐỤC THỦY TINH THỂ LÀ GÌ?

Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều và bệnh nhân nhìn mờ hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc. Dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt nhưng bệnh không lây từ mắt này qua mắt kia.

3. TRIỆU CHỨNG ĐỤC THỦY TINH THỂ

- Nhìn mờ
- Cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng: ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh, hoặc thấy quầng sáng quanh đèn.
- Màu có vẻ nhạt hơn.
- Ban đêm thị giác kém hơn.
- Nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình.
- Độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên.
Những triệu chứng này có thể cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác tại mắt.  Nếu bệnh nhân có những triệu chứng này thì nên đến bác sĩ mắt để được khám và tư vấn.

Khi đục thủy tinh thể ít, có thể người bệnh không nhận ra thị lực có thay đổi hay không. Nhưng đục tiến triển từ từ thì thị lực kém dần. Một số người có đục thủy tinh thể nhận thấy rằng thị lực nhìn gần/ đọc sách trở nên tốt hơn, nhưng chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể phát triển  nhiều hơn.

4. CÁC LOẠI ĐỤC THỦY TINH THỂ

- Đục thủy tinh thể do lão hóa: phần lớn các đục thủy tinh thể do tuổi già.
- Đục thủy tinh thể bẩm sinh
- Đục thủy tinh thể thứ phát: phát triển ở những người có một số bệnh, ví dụ tiểu đường. Đục thủy tinh thể có thể do dùng thuốc steroid kéo dài.
- Đục thủy tinh thể chấn thương.
Làm thế nào để phát hiện đục thủy tinh thể?
Để phát hiện đục thủy tinh thể cần phải khám mắt toàn diện, gồm các bước sau:
- Đo thị lực bằng bảng thị lực.
- Khám mắt với đồng tử dãn: dùng thuốc nhỏ để dãn đồng tử cho phép bác sĩ khám kỹ thủy tinh thể và võng mạc, đồng thời kiểm tra mắt có bệnh khác không.
- Đo nhãn áp: đo thường qui để kiểm tra áp lực trong mắt, nếu nhãn áp tăng có thể là dấu hiệu bệnh glô-côm (cườm nước).
Và một số xét nghiệm khác nếu cần để khảo sát cấu trúc và bệnh của mắt có thể đi kèm.

5. ĐIỀU TRỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.

Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Bệnh nhân và bác sĩ  cùng quyết định thời điểm phẫu thuật. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 2 – 4 tuần.

Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể khi chưa gây giảm thị lực nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.

Chủ yếu có hai cách lấy thủy tinh thể. Bác sĩ sẽ giải thích cụ thể hai cách phẫu thuật khác nhau như thế nào và giúp bạn quyết định cách tốt nhất:

- Phương pháp phẫu tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm (Phaco) có hoặc không đặt IOL: Tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc (giác mạc là cái vòm trong suốt che phủ phía trước tròng đen). Sau đó đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm và phân thành những mảnh nhỏ, do đó có thể hút ra. Hiện nay hầu hết phẫu thuật lấy thủy tinh thể được thực hiện bằng phương pháp phaco.
 
- Phương pháp phẫu thuật lấy thể thủy tinh (trong bao, ngoài bao, Phaco) có hoặc không đặt IOL trên mắt độc nhất: Tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc và lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra. Sau đó hút phần còn sót lại. Sau khi lấy thủy tinh thể, bác sĩ sẽ đặt một kính nội nhãn thay vào vị trí của thủy tinh thể. Kính nội nhãn là một thấu kính nhân tạo trong suốt, sẽ là một phần của mắt bạn suốt đời nhưng bạn không cần phải chăm sóc cho nó. Thị lực của bạn sẽ cải thiện tốt với kính nội nhãn vì ánh sáng xuyên qua nó đến võng mạc. Nhưng bạn cũng không cảm thấy hoặc nhìn thấy thấu kính mới này.

Một số trường hợp không thể đặt kính nội nhãn vì đang có bệnh mắt khác hoặc có tai biến khi phẫu thuật. Trường hợp này có thể đeo kính sát tròng hoặc đeo kính gọng sau mổ.

6. CÁC LOẠI KÍNH NỘI NHÃN

Hiện nay có nhiều loại kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo) đặt vào trong mắt sau phẫu thuật lấy thuỷ tinh thể như
- Kính nội nhãn đơn tiêu (giúp mắt nhìn rõ một cự ly nhất định)
- Kính nội nhãn đa tiêu (giúp mắt nhìn rõ cả cự ly xa và gần)
- Kính nội nhãn toric (giúp điều chỉnh loạn thị của mắt bệnh nhân).
Tuỳ theo tình trạng mắt, tính chất nghề nghiệp, khả năng tài chính của bệnh nhân, Bác sỹ sẽ tư vấn để đặt kính nội nhãn thích hợp giúp hồi phục thị lực cho người bệnh một cách tốt nhất.

7. QUY TRÌNH KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ

Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này bao gồm đo độ cong giác mạc, kích thước và hình dạng nhãn cầu để chọn loại kính nội nhãn thích hợp, xét nghiệm máu (người bệnh nhịn ăn sáng) và khám nội khoa để đảm bảo thể trạng người bệnh cho phép tiến hành phẫu thuật.

Khi vào bệnh viện, bạn được nhỏ thuốc dãn đồng tử, thuốc rửa mắt. Hầu hết bệnh nhân được vô cảm tại chỗ (nhỏ thuốc tê và / hoặc tiêm tê) để làm mất cảm giác đau. Do đó bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được băng mắt và nằm nghỉ. Bác sĩ khám và theo dõi có biến chứng sau phẫu thuật không. Hầu hết bệnh nhân có thể về ngay trong ngày. Bệnh nhân không tự lái xe được ngay nên cần có người thân đi kèm.

Các loại phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể

Cập nhật thông tin mới nhất!:

BỆNH VIỆN MẮT SÔNG CẦU

Địa chỉ: 221 Ngô Gia Tự, Suối Hoa, Bắc Ninh

Điện Thoại: +842223822231  - Tel: 0855949559

Email: benhvienmatsongcaubn@gmail.com

Mã số thuế: 2300853309

Website: www.matsongcau.vn

Copyright © 2022. All Right Reserved

Thiết kết website Webso.vn
Menu